Giáo dục mầm non – Nền tảng của GD&ĐT là vấn đề đã và đnag được xã hội đặc biệt quan tâm. Cần phải có những giải pháp hữu hiệu nào để thúc đẩy GDMN đáp ứng yêu cầu hiện tại. Bài viết: “Yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong tình hình mới” sẽ là những gợi ý quan trọng để thúc đẩy GDMN hiện nay phát triển.
Ngày 13/07/2022 Ban chấp hành Đoàn trường cao đẳng sư phạm tổ chức Hội nghị với chủ đề: “Yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong tình hình mới” tại Hội trường A4 trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Các vấn đề được Đoàn viên thanh niên quan tâm, chia sẻ thảo luận:
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ chăm lo phát triển giáo dục mầm non “Tăng cường giáo dục, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18,5%, dưới 1 tuổi xuống còn 12,5%. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống 20%”; trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác với những diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra là cần tập trung nâng cao chất lượng, trọng tâm hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo là vấn đề đặt ra thu hút sự quan tâm của xã hội, là nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương. Giáo dục mầm non thời gian tới cần có bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào tiểu học ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, liên thông với giáo dục phổ thông. Để thực hiện sứ mạng kỳ vọng của giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ đặt nền móng phát triển toàn diện của con người Việt Namgiáo dục mầm non cần được quan tâm những vấn đề sau:
Một là, nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục mầm non. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về phát triển giáo dục mầm trong tình hình mới. Đa dạng, linh hoạt, lồng ghép bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, huy động sự tham gia, phối hợp của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bậc cha mẹ và toàn xã hội vào công tác phát triển giáo dục mầm non.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động và quản lý chất lượng giáo dục mầm non. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non cho phù hợp với thực tiễn. Có cơ chế chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi một số cơ sở giáo dục mầm non công lập thành ngoài công lập ở những nơi có điều kiện thực hiện tốt xã hội hóa.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ở mọi vùng miền được đến lớp và chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, từng bước triển khai thực hiện phổ cập giáo dục trẻ em mẫu giáo từ 3 – 4 tuổi, ưu tiên trẻ em người dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, trẻ em khuyết tật, trẻ em yếu thế. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, giáo dục mầm non; ưu tiên ngân sách để thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi và ngân sách để duy
trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Quan tâm bảo đảm ngân sách chi thường xuyên và bố trí đội ngũ để tổ chức các loại hình trường, lớp mầm non phù hợp, tạo cơ hội cho trẻ em mẫu giáo được đến trường đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, coi đây là giải pháp quan trọng trong công tác phổ cập giáo dục mầm non. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực đối với công tác phát triển giáo dục mầm non gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước; Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mầm non phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tăng cường dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho trẻ em trên cơ sở tiếng mẹ đẻ nhằm gìn giữ và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc thiểu số. Đổi mới hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ và đánh giá sự phát triển của trẻ theo hướng coi trọng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1, bảo đảm liên thông, gắn kết với giáo dục phổ thông. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng môi trường số, công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non và nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục mầm non.
Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới căn bản mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên gắn với quy hoạch nhân lực giáo dục địa phương, vùng, miền theo hướng hình thành các đại học sư phạm trung tâm, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hình thành các trường sư phạm vệ tinh. Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường sư phạm. Đổi mới chương trình, đa dạng các phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non và phát triển giáo dục mầm non. Phát triển năng lực nghề nghiệp, thực hành nghề nghiệp chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách nghề nghiệp, lòng yêu ngành, yêu nghề cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên và phù hợp với thực tiễn địa phương, vùng, miền.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non nhằm cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số, giáo viên mầm non khu vực dân lập, tư thục được hưởng đầy đủ chế độ cho giáo viên mầm non theo quy định hiện hành; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số có trình độ về sư phạm, kiến thức chuyên môn phù hợp từng vùng, từng dân tộc, địa bàn khó khăn; chú trọng bồi dưỡng dạy tiếng dân tộc cho giáo viên mầm non công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, giúp giáo viên yên tâm công tác và cống hiến. Khuyến khích giáo viên mầm non phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, tự học tập suốt đời nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Người viết bài: Phan Thị Lý