Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay chính là lực lượng lao động chủ chốt, là những người làm chủ đất nước trong thời gian tới. Để gánh vác trọng trách ấy, bên cạnh việc tích cực học tập nâng cao trình độ, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, thanh niên cần không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng để hoàn thiện nhân cách. Đó cũng chính là nguyên tắc xây dựng đạo đức mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Đạo đức cách mạng là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguồn của suối. Để xây dựng một nền đạo đức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra các nguyên tắc cơ bản, nhằm định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng và cho việc rèn luyện mỗi người, trong đó có nguyên tắc: “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”. Một nền đạo đức mới chỉ được xây dựng trên cơ sở sự tự giác tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Đạo đức cách mạng đòi hỏi mỗi người phải tự giác rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, công việc, trong các mối quan hệ của mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện của mình để phát huy, và nhận rõ cái dở, cái xấu, cái ác của mình để khắc phục.
Sinh thời Bác Hồ dạy: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển, củng cố, cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Điều Bác dạy chỉ rõ hai điểm gốc rễ, đó là: đạo đức là cái gốc của người cách mạng; và cái gốc để có đạo đức cách mạng chính là do tự tu dưỡng, tự rèn luyện mà có. Có nghĩa rằng, đạo đức cách mạng của mỗi người không phải tự nhiên mà có, cũng không tồn tại vĩnh viễn. Nếu không được tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ, thường xuyên, đạo đức ấy có thể suy thoái đi. Trên thực tế, mọi sự thoái hóa trong đạo đức đều bắt nguồn từ việc thiếu rèn luyện, không nghiêm khắc với bản thân, nhất là trong điều kiện khó khăn hoặc ở những môi trường dễ nảy sinh tiêu cực (có chức, có quyền, có địa vị, nắm trong tay nguồn tiền bạc hoặc sinh mệnh chính trị của những người khác,…). Cho nên, để giữ gìn được đạo đức cách mạng, cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Đó là sự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời; phải được ý thức và chăm lo như “cơm ăn, nước uống hằng ngày”.
Học tập theo tư tưởng của Người, tuổi trẻ trường CĐSP Điện Biên không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện văn hóa, đạo đức để trở thành những người phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Để tạo điều kiện cho các đoàn viên thanh niên của nhà trường có điều kiện phát triển toàn diện, bên cạnh việc giảng dạy văn hóa, nhà trường cùng Đoàn trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Chiến dịch mùa hè xanh; chương trình “Xuân yêu thương”; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ; Giải bóng chuyền cúp đoàn trường; Thi đẩy gậy, bắn nỏ; Ga la chào Tân sinh viên; Văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam; Hội thi cắm hoa chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3; Thành lập câu lạc bộ Kỹ năng sống… để các em có thể tham gia, phát huy được hết những năng lực, sở trường của mình, đồng thời rèn luyện cả về thể chất lẫn văn hóa, thẩm mỹ để các em có thêm những kỹ năng cần thiết khi ra trường.
Để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đòi hỏi mỗi sinh viên phải biết sống có lý tưởng, có hoài bão, có trách nhiệm biết vượt lên hoàn cảnh, vượt qua gian khó để vươn lên. Đồng thời mỗi sinh viên phải thực hành những chuẩn mực đạo đức cơ bản như: Trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Yêu thương con người….bởi đây là những chuẩn mực đạo đức cơ bản, cần có của mỗi con người. Và quan trọng nhất, các em cần thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, coi đó là công việc thường xuyên, “như việc rửa mặt hàng ngày” . Có như vậy mới có thể trở thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên“.
Người viết bài: Hà Kim Tuyến