Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước. Theo Bác, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Người chính là một tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm.
Tiết kiệm theo Bác là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “không phải là bủn xỉn”, “tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc”, mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh. “Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày từ việc ăn, ở, sinh hoạt, mọi lúc, mọi nơi, Bác không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm bằng chính những hành động, nếp sống của mình. Bữa ăn của Bác không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam, cũng là bát cơm, quả cà muối, cá kho, đĩa rau muống luộc… Trang phục hàng ngày của Bác cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ…
Tiết kiệm đã trở thành nếp sống của Bác. Khi còn hoạt động ở nước ngoài, ở căn cứ Việt Bắc cũng như lúc về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ vẫn luôn giữ một lối sống rất cần, kiệm và giản dị, không đòi hỏi một ưu tiên, một vinh hoa cho riêng mình. Bản thân Bác đã trở thành tấm gương sáng trong việc tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Kể cả trong việc ăn uống, khi dùng các món ăn bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa lãng phí. Ngay từ khi còn làm phụ bếp trên con tàu Latútsơ Tơrêvin, Bác đã gom thức ăn thừa đem cho người nghèo, câu chuyện của Bác đã khơi dậy sự ngưỡng mộ trong lòng những người bạn nước ngoài. Hay trong một lần về thăm quê, Bác có dùng cơm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhưng khi các món ăn được đưa thêm, Bác đã nói: dùng hết lấy thêm, đừng để người khác ăn thừa của mình…
Học tập tấm gương của Người, trong những năm qua tuổi trẻ trường CĐSP Điện Biên cũng nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm qua những việc làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như: “Thiết kế đồ dùng học tập cho trẻ mầm non từ rác thải nhựa”, “Không gian đẹp cho em” … Dưới những đôi bàn tay khéo léo của các em sinh viên ngành giáo dục mầm non, những thứ tưởng như bỏ đi lại trở thành những sản phẩm vô cùng xinh đẹp, tinh xảo, có ý nghĩa giáo dục dành tặng cho các trường mầm non để trưng bày và làm đồ chơi cho các em nhỏ. Cùng với đó, để vừa tận dụng được những rác thải nhựa, vừa làm được những việc có ý nghĩa, Đoàn trường còn thực hiện công trình “Không gian đẹp cho em”. Các bạn sinh viên dùng đồ nhựa đã sử dụng 1 lần như cốc nhựa, cốc cà phê, bình nước… để thiết kế những món đồ trang trí cho lớp học.
Hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết, ra sức phòng chống dịch Covid-19 của ngành giáo dục và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Đoàn trường CĐSP Điện Biên kêu gọi và vận động toàn thể đoàn viên thanh niên nhà trường chung tay ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19. Thực hiện lời kêu gọi đó, các đoàn viên thanh niên nhà trường đã tích cực tham gia bằng cách tiết kiệm những đồng tiền nhỏ của mình để ủng hộ, nhiều bạn còn sáng tạo ra các cách như: làm hoa hanmade, làm thiệp hanmade bán nhân dịp 20.10 để lấy tiền ủng hộ quỹ…
Những việc làm thiết thực, ý nghĩa của các bạn đoàn viên vừa góp phần hình thành, xây dựng hình ảnh sinh viên sư phạm năng động, sáng tạo, có những hoạt động vì cộng đồng, vừa thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Người viết bài: Hà Kim Tuyến