Giáo dục đào tạo là cốt lõi, là trọng tâm của chiến lược trồng người. Phát triển giáo dục là nền tảng để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, là động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Bởi vậy Đảng ta đã khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, trong đó giáo dục mầm non là một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi (Điều 23 Luật Giáo dục năm 2019). Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; Hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo.
Điện Biên là một tỉnh vùng biên giới phía Bắc có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Ngành giáo dục mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực song chất lượng giáo dục đạt được còn thấp, đặc biệt ở các huyện, xã vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Giáo dục mầm non cũng thường xuyên phải tìm kiếm các biện pháp khắc phục những khó khăn do đặc thù điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Từ đặc điểm môi trường thực tiễn, nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển chương trình giáo dục mầm non cho 3- 6 tuổi theo mô hình lớp ghép cho trẻ trường mầm non trong những năm qua tại tỉnh Điện Biên được sự quan tâm của các cấp các ngành đặc biệt là ngành giáo dục thì chương trình lớp ghép đã được chú trọng: Quy mô trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và phù hợp Điều lệ trường mầm non. Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ từ các cấp, các ngành đến các địa phương, những điều kiện đảm bảo và chất lượng thực hiện chương trình đối với các lớp mẫu giáo ghép trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, công tác giáo dục mầm non còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất (các lớp ghép thường nằm ở điểm bản, đi lại khó khăn), về cơ sở vật chất (số trẻ chưa đảm bảo để đầu tư đầy đủ đồ dùng, thiết bị, đồ chơi theo quy định); về công tác tổ chức bán trú (điều kiện cơ sở vật chất và kinh tế của cha mẹ trẻ còn nghèo nên khó thực hiện xã hội hóa trong công tác bán trú); về chuyên môn (bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và trẻ, trẻ trong lớp không cùng độ tuổi khó khăn cho giáo viên trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, sự quan tâm của cha mẹ trẻ chưa thường xuyên, khi xây dựng kế hoạch hoạt động khó xác định mục tiêu, khó tìm bài phù hợp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục trẻ.
Thực tế hiện nay lớp ghép là loại hình khá phổ biến đối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý giáo dục mầm non với mô hình lớp ghép cũng có nhiều đặc thù so với mô hình lớp đơn, song những kiến thức và kinh nghiệm quản lý của cán bộ quản lý cấp trường, tổ chuyên môn còn nhiều hạn chế nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Để phát triển chương trình giáo dục trẻ 3 – 6 tuổi theo mô hình lớp ghép ở các trường mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ tại các trường mầm non tỉnh Điện Biên hiện nay, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất: Hoàn thiện quy trình phát triển chương trình giáo dục
Quy trình phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép được chia thành các giai đoạn hay các bước thực hiện theo trình tự logic, khoa học để đạt được mục tiêu, hoàn thiện quy trình phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép gồm 11 bước theo trình tự sau:
– Chẩn đoán nhu cầu.
– Xác định tên lớp ghép và mục tiêu giáo dục.
– Xây dựng kế hoạch giáo dục.
– Xác định phương pháp và hình thức tổ chức chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo lớp ghép.
– Xác định tiêu chí đánh giá, phương thức và phương tiện đánh giá.
– Hoàn chỉnh chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi mô hình lớp ghép.
– Tổ chức thí điểm chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép.
– Điều chỉnh và thống nhất.
– Thông qua chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép.
– Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép.
– Thẩm định thường kì.
Theo chúng tôi, mỗi bước trong quy trình phát triển CTGD trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép đều có mối quan hệ thống nhất chặt chẽ, thực hiện tốt bước thứ nhất có cơ sở tốt để thực hiện bước thứ hai.
Thứ 2: Bồi dưỡng năng lực và phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo theo mô hình lớp ghép cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng xây dựng, thực hiện và phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép giáo viên và cán bộ quản lý các trường mầm non. Nội dung chủ yếu bao gồm cập nhật những kiến thức mới, thảo luận và tiếp cận với các khái niệm chương trình giáo dục, phát triển chương trình giáo dục theo mô hình lớp ghép, đưa lớp ghép vào chủ đề chương trình giáo dục mầm non nhằm xây dựng và phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép phù hợp với nhu cầu xã hội. Trong thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng, các buổi hội thảo sẽ được tiếp cận và học tập các nội dung: Kĩ năng phát triển mục tiêu giáo dục; phát triển nội dung giáo dục; kĩ năng lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục…. Thông qua lớp bồi dưỡng, các buổi hội thảo, CBQL, GV cũng sẽ được cung cấp các kiến thức mới về lý luận, giải đáp một số vấn đề mới đặt ra, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, nghiệp vụ trong quản lý, phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép.
Thứ 3: Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động GD và phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép.
Quản lý đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tập trung vào kế hoạch GD, bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao trình độ nhận thức lý luận và khả năng vận dụng đổi mới phương pháp dạy học cho GV; bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho GV về đổi mới phương pháp dạy học, về sử dụng phương tiện công nghệ vào dạy học…
Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, chuyên đề, thao giảng các cấp. Đẩy mạnh sinh hoạt tổ chuyên môn, phát huy vai trò tổ trưởng chuyên môn để các cuộc họp tổ trở thành những buổi thảo luận khoa học nhỏ về đổi mới phương pháp và hình thức dạy học;
Chỉ đạo việc bố trí, sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học và tự làm đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; khẳng định tính đúng đắn của lý luận “đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới các phương tiện, đồ dùng, thiết bị phục vụ dạy học”;
Thực hiện điều chỉnh các hoạt động GD đối với trẻ và điều kiện thực tế; tạo điều kiện giúp trẻ thực hiện đổi mới PPGD và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của từng độ tuổi, đáp ứng yêu cầu của CTGD trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép;
Tổ chức tổng kết kinh nghiệm đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để chứng tỏ kết quả đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mang tính khả thi và hiệu quả.
Thứ 4: Hoàn thiện các điều kiện cần thiết phục vụ công tác phát triển và phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép.
Xác định rõ các nội dung trọng tâm cần phải bồi dưỡng cho GV việc phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép phù hợp với chương trình đổi mới GDMN và phù hợp với thực tiễn địa phương như: Mục đích, ý nghĩa của hoạt động phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép; Các hình thức của hoạt động vui chơi: vui chơi ngoài trời, vui chơi trong nhà, vui chơi xen kẽ các tiết học hoặc có vui chơi trí tuệ, vui chơi vận động… Song mỗi hoạt động cần được tổ chức vào những thời gian phù hợp trong năm học; Cách thức tổ chức các hoạt động. Xác định tiến trình diễn ra hoạt động, người phụ trách, người điều hành, các điều kiện đảm bảo…; Lựa chọn những hình thức bồi dưỡng phù hợp để bồi dưỡng cho GV về việc phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép; Bồi dưỡng và phát huy vai trò chủ thể của GV trong tất cả các khâu của tổ chức hoạt động phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép, đáp ứng nhu cầu và tính tự chủ của GV. Tổ chức cho GV thiết kế và tổ chức hoạt động, đóng góp ý tưởng và sáng tạo, mở rộng nhiều cách thức thể hiện, làm phong phú các phương pháp và hình thức phát triển chương trình giáo dục trẻ 3-6 tuổi theo mô hình lớp ghép./.
Tác giả: Phạm Ngọc Cảnh