Gia đình là tế bào của xã hội, nơi trẻ em được sinh ra, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, là người có thể hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Để giúp các cơ sở GDMN hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ mầm non nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình trong thời gian trẻ ở nhà tránh dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phê duyệt và ban hành tài liệu “Hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến để hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại gia đình”.
– Đồ dùng, đồ chơi, học liệu là phương tiện chăm sóc, giáo dục trẻ em trong trường mầm non cũng như tại gia đình. Đồ chơi, học liệu được coi là “sách giáo khoa” trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.
– Việc khai thác, sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học, đồ chơi, học liệu trong các hoạt động giáo dục trẻ sẽ kích thích hứng thú, tư duy, sáng tạo nhằm phát triển toàn diện, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ thơ.
– Tại gia đình, phụ huynh lựa chọn các đồ dùng, đồ chơi, học liệu và chơi cùng trẻ sẽ kích thích sự phát triển tâm sinh lý, tư duy, sáng tạo, tình cảm, cảm xúc, tư duy và sự sáng tạo. …hình thành nhân cách cho trẻ. Đặc biệt ở các thời điểm trẻ không thể tới trường do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai… Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non cần bảo đảm các nguyên tắc sau:
– Bảo đảm các yêu cầu về đồ chơi, học liệu tại Thông tư số 47/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020.
– Lựa chọn đồ chơi, học liệu căn cứ vào nhu cầu thực tế thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; phát triển Chương trình giáo dục mầm non; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; kế hoạch thực hiện chuyên đề hàng năm;
– Lựa chọn đồ chơi, học liệu căn cứ vào điều kiện thực tế: về vật chất (địa điểm, không gian xếp đặt); về nguồn lực (khả năng khai thác, sử dụng, ứng dụng đồ chơi của cán bộ quản lý và giáo viên).
– Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non lựa chọn các học liệu số để hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, ngoài các nguyên tắc chung cần lưu ý:
– Phù hợp với kế hoạch hỗ trợ phụ huynh của trường/lớp mầm non;
– Bảo đảm về kiểm duyệt nội dung và chất lượng tài liệu số của Hiệu trưởng. Phụ huynh lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non cần bảo đảm các nguyên tắc sau:
– Bảo đảm tính an toàn, thẩm mỹ và giáo dục;
– Phù hợp với đặc điểm phát triển độ tuổi của trẻ;
– Phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa gia đình/vùng miền.
- Lựa chọn đồ chơi, học liệu cho trẻ mầm non
Hiện nay, nhu cầu trang bị đồ chơi, học liệu của các cơ sở giáo dục mầm non rất phong phú. Các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ vào nhu cầu thực tế để lựa chọn đồ chơi, học liệu sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non
Việc lựa chọn đồ chơi, học liệu để tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ tại trường mầm non thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 47/2020/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2020 quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, thiên tai trẻ em không thể đến trường, việc hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh theo hình thức trực tuyến có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành và phát triển các năng lực cho trẻ thông qua các hoạt động vui chơi tại gia đình. Cán bộ quản lý và giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn phụ huynh cách thức tổ chức các hoạt động vui chơi ở gia đình, đồng thời hỗ trợ thêm cho họ bằng cách cung cấp các kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Một trong số các hình thức nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình, hướng dẫn phụ huynh/người chăm sóc trẻ tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em tại gia đình, đó là: lựa chọn và tải các video, clip… có chất lượng trên các kênh internet về giáo dục trẻ em; tự xây dựng video, ví dụ:
– Video hướng dẫn cách làm đồ chơi từ các nguyên vật liệu sẵn có;
– Video hướng dẫn cách triển khai các hoạt động thực hành/ thí nghiệm/trải nghiệm cho trẻ;
– Video hướng dẫn phụ huynh cho trẻ 5 – 6 tuổi làm quen với chữ, số, chuẩn bị cho trẻ những kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng tiền đọc, tiền viết;
– Video hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe và tổ chức bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ…;
- Giáo viên lựa chọn và tải các thông tin, học liệu số trên internet/không gian mạng để chia sẻ và hướng dẫn phụ huynh
– Không lựa chọn và chia sẻ các học liệu số có chứa những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay có rất nhiều các video, Youtube cho đối tượng trẻ em, đăng tải các sự vật, sự việc có thật nhưng trong đó cài cắm các hình ảnh hay bình luận sai trái, bịa đặt, kích động…một cách tinh vi làm ảnh hướng xấu đến tâm lý và tình cảm của trẻ. Nếu cán bộ quản lý và giáo viên không chú ý kiểm duyệt trước khi chia sẻ tới phụ huynh thì vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
– Không lựa chọn và chia sẻ các học liệu số khi chưa rõ ràng về bản quyền hoặc có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
– Lựa chọn và chia sẻ những thông tin từ các trang điện tử có nguồn gốc chính thống, đáng tin cậy. Ưu tiên sử dụng các trang thông tin của các cơ quan ban ngành và tổ chức đã được công nhận về pháp luật.
– Lưu ý những hành vi vi phạm đến nhân thân, uy tín của các cá nhân, tổ chức. Đây là hành vi người lựa chọn và chia sẻ các thông tin khi chưa có sự cho phép họ dù vô tình hay cố ý. Ví dụ: Giáo viên quay video, clip về các hoạt động giáo dục có sử dụng hình ảnh của trẻ, đồng nghiệp và các cá nhân khác…trước khi chia sẻ video/clip phải có sự đồng ý của phụ huynh và người được quay…
– Lưu ý những hành vi vi phạm đến bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Ví dụ: Khi giáo viên nhận được thông báo qua email/zalo/facebook… về một chương trình giáo dục tổ chức miễn phí cho trẻ em, thông báo đề nghị người dùng nhấn vào một đường dẫn (đường link) để làm thủ tục tham gia . Nếu giáo viên không kiểm chứng kĩ thông tin và nhấn vào link có chứa các mã độc thì có thể trực tiếp làm lây lan virut không chỉ cho thiết bị của mình màcòn ảnh hưởng đến các thiết bị khác của cơ quan. Nếu tiếp tục chia sẻ các đường link trên tới phụ huynh/người chăm sóc trẻ sẽ mang lại nhiều rủi ro trong việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.
– Lưu ý việc lựa chọn và chia sẻ, tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, lối sống văn minh, tiến bộ…Không sử dụng học liệu để tuyên truyền, quảng cáo hoặc phục vụ các mục đích trục lợi khác ngoài mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tránh sử dụng những video, clip khai thác trên mạng có lồng ghép hoặc hiện thị các thông tin quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp. Trong trường hợp buộc phải sử dụng vì không có nguồn tham khảo nào khác thì dùng các kĩ thuật làm mờ hoặt cắt bỏ những thông tin nêu trên.
- Giáo viên lựa chọn các học liệu số tự làm để chia sẻ tới phụ huynh:
– Lựa chọn các học liệu điện tử tự làm từ các kho tài liệu số dùng chung của thành phố/huyện/trường đã được kiểm duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo/Phòng Giáo dục và Đào tạo/Hiệu trưởng. Hiện nay rất nhiều địa phương đã xây dựng kho tài liệu số dùng chung đã được thẩm định và kiểm duyệt của các cấp quản lý, Giáo viên lựa chọn các học liệu số này để chia sẻ, hướng dẫn phụ huynh theo kế hoạch.
– Các học liệu điện tử gửi tới phụ huynh phải đảm bảo tính phù hợp với kế hoạch xây dựng học liệu trực tuyến và kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh của nhóm/lớp cũng như của cơ sở giáo dục mầm non.
- Quy định lựa chọn và chia sẻ với phụ huynh các học liệu điện tử tự làm; các học liệu khai thác trên internet/mạng xã hội
Khi lựa chọn và chia sẻ tài liệu số cho phụ huynh cần chú ý đền thời điểm hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh, cụ thể như sau:
Các căn cứ cán bộ quản lý và giáo viên lựa chọn và chia sẻ học liệu số hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh:
– Yêu cầu về học liệu dùng cho trẻ mầm non theo quy định: bảo đảm an toàn, thẩm mỹ và giáo dục.
– Các nguyên tắc lựa chọn học liệu cho trẻ theo quy định;
– Tình hình thực tiễn các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và nhu cầu của phụ huynh.
Như vậy, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm quyết định lựa chọn các đồ chơi, học liệu sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non cũng như để chia sẻ và hướng dẫn phụ huynh, cụ thể như sau:
– Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, phụ huynh em về quyết định lựa chọn và chất lượng đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non cũng như các tài liệu chia sẻ tới phụ huynh.
– Định kỳ, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng đồ chơi, học liệu đang sử dụng; có biện pháp khắc phục, thay thế (nếu cần thiết);
– Thông báo cho cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sơ giáo dục mầm non, phụ huynh về danh mục và số lượng đồ chơi, học liệu. Tổ chức tư vấn cho phụ huynh lựa chọn, mua đồ chơi, học liệu nếu có nhu cầu riêng;
– Trách nhiệm trong việc kiểm soát, đồng ý cho giáo viên chia sẻ các học liệu số tới phụ huynh.
Nguồn Tài liệu tập huấn của Bộ Giáo dục và đào tạo tháng 11/2021, Tài liệu hướng dẫn xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến để hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại Gia đình (Tài liệu dành cho Cán bộ quản lý và Giáo viên mầm non).
Tác giả: Vũ Thị Thanh Tâm