Lê Trọng Hiếu
Khoa Bồi Dưỡng
ĐẶT VẤN ĐỀ
Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thiết lập trật tự và ổn định xã hội. Pháp luật là cộng cụ quan trọng nhất để Nhà nước quản lý xã hội. Việc quản lý xã hội bằng pháp luật bảo đảm cho việc thực hiện quyền lực nhà nước được tập trung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đối với mọi chủ thể trong xã hội.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện pháp luật không phải mọi chủ thể, trong mọi trường hợp cụ thể các chủ thể đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Việc không thực hiện hay thực hiện không đúng các quy định của pháp luật khi nào được coi là vi phạm pháp luật từ đó Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện có hiệu quả nhất.
Bài viết đề cập đến một số vấn đề chung của vi phạm pháp luật để từ đó mỗi chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật cần nhận thức rõ được hành vi của mình thực hiện đúng, đầy đủ pháp luật, tránh được những hành vi vi phạm pháp luật.
NỘI DUNG
1.Khái niệm
Vi phạm pháp luật là hành vi (hành động hoặc không hành động) trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và theo quy định của pháp luật phải bị trừng phạt.
- Đặc điểm của vi phạm pháp luật
– Thứ nhất, vi phạm pháp luật luôn luôn là hành vi xác định (hành động hoặc không hành động) của con người. Tư tưởng, ý thức của con người nếu không thể hiện ra bằng hành vi cụ thể thì không coi là vi phạm pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật phải là hành vi của con người, được thể hiện dưới dạng hành động vi phạm hoặc không hành động vi phạm. Nếu chỉ là ý nghĩ chưa thể hiện ra bằng hành vi thì không thể xác định được vi phạm pháp luật
Ví dụ:
Hành động vi phạm như vượt đèn đỏ, cướp cửa, giết người, hiếp dâm…
Không hành động vi phạm như không thực hiện nghĩa vụ quân sự, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, không nộp thuế khi kinh doanh.
– Thứ hai, vi phạm pháp luật không những là hành vi xác định mà nó phải trái với quy định (yêu cầu) của pháp luật.
Một hành vi vi phạm pháp luật đương nhiên là phải trái với quy định của pháp luật. Nếu hành vi không trái luật thì không thể là vi phạm pháp luật. Để xác định hành vi có trái quy định của pháp luật hay không chúng ta phải căn cứ vào các quy định của các văn bản pháp luật để đối chiếu xem luật có quy định không? Quy định tại văn bản nào? Tại điều, khoản, điểm nào trong văn bản đó?
Ví dụ:
Hành vi cùng một thời điểm yêu nhiều người, đây chỉ là hành vi vi phạm các quy tắc đạo đức chứ không phải vi phạm pháp luật vì không có luật quy định về vấn đề này.
Để xác định vi phạm pháp luật hình sự phải căn cứ vào Bộ luật Hình sự, vi phạm pháp luật dân sự phải căn cứ vào Bộ luật Dân sự…
– Thứ ba, hành vi trái pháp luật phải chứa đựng lỗi của chủ thể thực hiện hành vi đó (Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm pháp đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ và đối với hiệu quả do hành vi đó gây ra thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý). Lỗi là yếu tố không thể thiếu được để xác định các vi phạm pháp luật vì nếu một hành vi thực hiện do điều kiện, hoàn cảnh khách quan chủ thể không có lỗi thì hành vi đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Một người có lỗi là kết quả của sự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi có đủ điều kiện lựa chọn và quyết định một xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội (lỗi gồm lỗi cố ý hoặc vô ý).
Trong những điều kiện đặc biệt như trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, rủu ro trong nghiên cứu khoa học, thi hành mệnh lệnh của cấp trên trong các trường hợp này hành vi có thể trái pháp luật nhưng chủ thể không có lỗi thì không được coi là vi phạm pháp luật.
Ví dụ:
Trong điều kiện bình thường, khi tham gia giao thông, A có thể lựa chọn đi bên phải hoặc đi bên trái. Nếu đi bên phải đây là sự lựa chọn phù hợp với đòi hỏi của pháp luật cho nên hành vi của A là hợp pháp. Tuy nhiên trong khi có đủ điều kiện đi bên phải mà A lại lựa chọn đi bên trái hành vi của A là trái luật và có lỗi.
Trong một số trường hợp cứu thương, cứu hỏa vì muốn nhanh chóng bảo vệ một lợi ích lớn, lái xe có thể đi trái đường, đi quá tốc độ cho phép. Hành vi này về hình thức là trái luật nhưng lại được pháp luật coi là không có lỗi nên không là vi phạm pháp luật.
– Thứ tư, hành vi trái pháp luật, có lỗi phải do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện – nghĩa là chủ thể đó có khả năng nhận thức, điều khiển được hành vi của mình và đạt tới một độ tuổi nhất định.
Chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý:
+ Đối với cá nhân phải có khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của mình và đạt đến một độ tuổi nhất định.
+ Đối với tổ chức phải có tư cách pháp nhân.
Do vậy, người bị bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức điều chỉnh hành vi của mình khi thực hiện hành vi trái pháp luật không được coi là vi phạm pháp luật hoặc người chưa đạt đến độ tuổi do luật định thực hiện một hành vi trái luật cũng không được coi là vi phạm pháp luật và không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Ví dụ:
Trong Bộ luật Hình sự 2015 có quy định tại khoản 1, 2, Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản…”
Trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung năm 2020 tại điểm a, khoản 1, Điều 5 có quy định đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính như sau:
“1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”
– Thứ năm, vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ được pháp luật bảo vệ và theo quy định của pháp luật phải bị trừng phạt. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng, nhẹ khác nhau
Đặc điểm này mang tính chất quy kết. Khi một chủ thể thực hiện một hành vi có đầy đủ 4 dấu hiệu trên thì hành vi đó là vi phạm pháp luật và sẽ bị Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế mang tính trừng phạt.
Ví dụ:
Hành vi vi phạm hành chính sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính như cảnh cáo, phạt tiền.
Hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt như phạt tiền, phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
KẾT LUẬN
Để xác định một hành vi có vi phạm pháp luật hay không từ đó các chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp trách nhiệm pháp lý tương ứng cần phải xem xét hành vi đó có thỏa mãn đầy đủ đặc điểm của vi phạm pháp luật hay không. Nếu thỏa mãn các đặc điểm của vi phạm pháp luật thì hành vi đó là vi phạm pháp luật còn nếu không thỏa mãn thì hành vi đó không phải là vi phạm pháp luật.
Tài liệu tham khảo
- Bộ luật Dân sự 2015
Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung 2018