MỞ ĐẦU
Pháp luật do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực Nhà nước. Việc tuân theo pháp luật không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi người. Bất kỳ ai dù có địa vị, tài sản như thế nào cũng phải tuân theo các quy tắc pháp luật nếu không Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế tuỳ theo mức độ vi phạm Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhau.
Trong quá trình thực hiện pháp luật có những chủ thể thực hiện không đúng hoạc không thực hiện các yêu cầu của pháp luật lúc này Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế mang tính trừng phạt đối với chủ thể đó làm hình thành nên mối quan hệ pháp lý gữa Nhà nước và chủ thể vi phạm pháp luật, quan hệ đó chính là quan hệ về trách nhiệm pháp lý. Để làm rõ một số nội dung của trách nhiệm pháp lý trong bài viết này tác giả xin đề cập đến một số vấn đề lý luận chung về trách nhiệm pháp lý.
NỘI DUNG
- Khái niệm trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt giữa Nhà nước (thông qua các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và chủ thể Vi phạm Pháp luật trong đó bên Vi phạm Pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi. Đó là những biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định ở phần chế tài của quy phạm pháp luật.
- Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý
– Cơ sở của trách nhiệm pháp lý là vi phạm pháp luật. Có vi phạm pháp luật thì mới có trách nhiệm pháp lý.
Ví dụ:
– Uống rượu điều khiển Mô tô mới bị Cảnh sát giao thông xử phạt hành chính
– Giết người mới bị Tòa án tuyên hình phạt
– Trách nhiệm pháp lý là sự lên án của nhà nước và xã hội đối với chủ thể vi phạm pháp luật, là sự phản ứng của nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật.
Pháp luật là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực chung. Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thiết lập trật tự ổn định xã hội, bảo đảm các quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và Nhà nước. Chính vì vậy một hành vi vi phạm pháp luật sẽ xâm phạm đến các lợi ích đó. Nên Nhà nước áp dụng các biện pháp trừng phạt với chủ thể vi phạm để thể hiện sự không chấp nhận, lên án đối với chủ thể vi phạm. Đã vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng phạt.
– .Trách nhiệm pháp lý liên quan mật thiết với cưỡng chế nhà nước.
Trách nhiệm pháp lý là sự phản ứng của Nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật. Sự phản ứng này thể hiện sự không đồng tình với một hành vi tiêu cực. Sự phản ứng của Nhà nước mang tính trừng phạt, răn đe, thông qua việc sử dụng quyền lực Nhà nước để áp dụng các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc đối với chủ thể vi phạm pháp luật như: cảnh cáo, phạt tiền, phạt tù… Việc áp dụng trách nhiệm pháp lý để nhằm buộc các chủ thể vi phạm phải gánh chịu hậu quả pháp lý để từ đó phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực pháp luật.
– Cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm pháp lý là quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc áp dụng trách nhiệm pháp lý phải dựa trên các quy định của pháp luật về chủ thể áp dụng, các biện pháp áp dụng và trình tự thủ tục áp dụng
Ví dụ:
Để xử phạt hành chính chủ thể có thẩm quyền ( cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính) phải căn cứ vào biên bản vi phạm, đối chiếu với văn bản pháp luật về hành vi vi phạm, mức phạt để ra quyết định xử phạt theo quy định. Chỉ khi có quyết định xử phạt có hiệu lực thì chủ thể vi phạm mới phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lí đã nêu trong quyết định.
Chỉ coi là người phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự khi Tòa án ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu chưa có bản án, quyết định có hiệu lực chủ thể đó chưa được coi là tội phạm và đương nhiên không phải chịu hình phạt.
- Phân loại trách nhiệm pháp lý:
Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, vi phạm pháp luật đực chia làm bốn loại là: Vi phạm pháp luật hình sự (Tội phạm), vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm pháp luật dân sự, vi phạm kỷ luật nhà nước và tương ứng với mỗi loại vi phạm pháp luật là một loại trách nhiệm pháp lý.
* Trách nhiệm hình sự
Là loại trách nhiệm chỉ do Tòa án áp dụng đối với người có hành vi phạm tội được quy định trong bộ luật hình sự. Các chế tài trách nhiệm hình sự là các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước như tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
* Trách nhiệm hành chính
Chủ yếu được các cơ quan hành chính nhà nước áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức vi phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước. Các chế tài hành chính có mức độ nghiêm khắc thấp hơn chế tài hình sự như cảnh cáo, phạt tiền.
* Trách nhiệm dân sự
Được tòa án áp dụng đối với chủ thể là cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật dân sự. Các chế tài dân sự chủ yếu là mang tính chất bồi thường thiệt hại như; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán, bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác…
* Trách nhiệm kỷ luật nhà nước
Do thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp nhà nước áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động trong cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các donh nghiệp nhà nước. Vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, trường học… Các chế tài kỳ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
KẾT LUẬN
Để đảm bảo pháp luật được tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác, mỗi chủ thể pháp luật phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, bảo đảm quyền lợi ích của mình, của người khác và của Nhà nước. Pháp luật được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng quyền lực Nhà nước. Bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, do chủ thể nào thực hiện xâm phạm đến các lợi ích mà Nhà nước bảo vệ thì sẽ bị Nhà nước áp dụng các biện pháp trừng phạt. tùy theo tính chất mức độ vi phạm Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nhẹ khác nhau. Mối quan hệ giữa Nhà nước và chủ thể vi phạm pháp luật chính là một quan hệ pháp luật về trách nhiệm pháp lý. Trong quan hệ này Nhà nước luôn là chủ thể mang quyền lực có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt về vật chất, tinh thân hoặc các hạn chế về tự do, tài sản đối với chủ thể vi phạm. Chủ thể vi phạm là bên có nghĩa vụ pháp lý phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do Nhà nước áp dụng.
Tài liệu tham khảo
Trường Đại Học Luật Hà Nội 2017. Giáo trình Lí luận chung về nhà nước và pháp luật. NXB Tư Pháp.
Tác giả: Lê Trọng Hiếu