Một số điểm mới đáng lưu ý trong Luật trẻ em 2016

0
469

Luật trẻ em được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 11 khóa XIII, ngày 05 tháng 4 năm 2016 đã kế thừa những quy định cơ bản của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, đồng thời sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Công ước Quyền trẻ em và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển của trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Luật Trẻ em gồm 7 chương với 106 điều (tăng 2 Chương và 46 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Có 6 điểm đáng lưu ý trong Luật Trẻ em 2016 như sau:

1.Trẻ em là người dưới 16 tuổi

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, khác với quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Khái niệm trẻ em hiện nay không còn giới hạn trong phạm vi là công dân Việt Nam mà bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 còn bổ sung thêm các quy định về nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn…

  1. Đưa ảnh trẻ từ 7 tuổi lên mạng phải được trẻ đồng ý

Theo quy định tại Điều 21 Luật Trẻ em 2016: Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Việc công bố thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Trong trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi thì việc này còn phải được sự đồng ý của chính các em. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng còn phải bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em (Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP).

  1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Theo quy định tại Mục 1, 2 Chương II Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Bộ Lao động – Thương binh xã chịu trách nhiệm quản lý Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Theo đó, Tổng đài bảo vệ trẻ em là 111,  hoạt động 24 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Tổng đài có 08 nhiệm vụ chính, cụ thể:

– Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại; lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em;

– Kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu và chuyển thông tin này đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em;

– Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.

– Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em…

Ngoài ra, Nghị định 56/2017/NĐ-CP cũng quy định mọi thông tin thông báo, tố giác về các trường hợp xâm hại trẻ em đều được bảo mật trước khi được xác minh. Các cuộc điện thoại gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em được miễn phí phí viễn thông và phí tư vấn.

  1. Ngược đãi trẻ em bị phạt tù đến 05 năm

Điều 6 Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm các hành vi sau: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em… Theo quy định tại Khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 thì: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con, cháu là người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, người cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

  1. Tử hình đối với người hiếp dâm trẻ em dưới 10 tuổi

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục (Điều 25 Luật Trẻ em 2016). Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người dưới 10 tuổi thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 còn bổ sung thêm một số quyền của trẻ em như: Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy…

  1. Bán ma túy cho trẻ em bị phạt tù đến 15 năm

Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định, nghiêm cấm các hành vi sau:

– Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

– Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

– Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em…

Khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào bán ma túy cho người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Điện Biên, ngày 04 tháng 3 năm 2019

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Dung

BÌNH LUẬN