MỘT SỐ BIỆN PHÁP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN

0
895

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên có nhiệm vụ quan trọng là hình thành ở trẻ những cơ sở ban đầu về nhân cách con người, chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho trẻ bước vào bậc học phổ thông. Do đó, phát triển giáo dục mầm non một cách vững chắc là nền tảng cho sự phát triển giáo dục phổ thông, trong đó nguồn nhân lực sư phạm trong trường mầm non là nhân tố trực tiếp có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục mầm non. Nguồn lực đó bao gồm đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Vì vậy, để có sản phẩm giáo dục có chất lượng tốt, một trong những vấn đề quan trọng là các trường mầm non cần có đội ngũ giáo viên có đầy đủ phẩm chất, năng lực, kĩ năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đối với giáo dục mầm non, thời gian qua, tỉnh Điện Biên cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển giáo dục mầm non như chính sách ưu đãi, hỗ trợ giáo viên và trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn… Chính sách dành cho giáo viên theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP có thể trở thành động lực phấn đấu của giáo dục mầm non, nhất là các giáo viên đang trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, từ các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh cũng như nguồn đầu tư của xã hội còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, mục tiêu phát triển giáo dục mầm non ở Điện Biên. Thực trạng trên dẫn đến việc thiếu biên chế cho bậc học mầm non. Mặc dù có sự phát triển và bổ sung giáo viên cho bậc học mầm non vẫn không theo kịp với sự gia tăng quy mô và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh và tồn tại nhiều bất cập.

Về trình độ chuyên môn, mặt bằng chung trình độ chuyên môn giáo viên mầm non của tỉnh Điện Biên đều đạt chuẩn và trên chuẩn ở khu vực công lập nhưng chất lượng thực chất theo chuẩn nghề nghiệp còn nhiều bất cập. Giáo viên có tuổi đời dưới 30 chiếm tỷ lệ lớn, thâm niên giảng dạy còn mới, vốn sống thực tiễn chưa nhiều kinh nghiệm, yếu kĩ năng quản lí lớp học và cách ứng xử với đồng nghiệp và phụ huynh. Giáo viên làm việc ở vùng khó khăn thường có xu hướng dựa vào kinh nghiệm, thiếu sự năng động trong việc tiếp nhận những tri thức mới; năng lực tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ còn hạn chế. Mặt khác, trình độ đào tạo của giáo viên chưa đồng đều, có giáo viên trình độ gốc chỉ là sơ cấp mầm non, trình độ văn hóa 9/12, một số giáo viên đã được đào tạo quá lâu, kiến thức cơ bản không theo kịp những đổi mới chương trình giáo dục hiện nay. Tình trạng này đối với địa bàn vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh càng trầm trọng hơn, một bộ phận giáo viên mầm non vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuẩn chất lượng, tâm lí chưa thiết tha gắn bó lâu dài với địa bàn công tác.

Điều kiện kinh tế – xã hội của nhiều giáo viên mầm non vùng khó khăn còn thiếu thốn, phần nào ảnh hưởng đến đầu tư cho nghề nghiệp. Trình độ nghiệp vụ, kĩ năng quản lí của một bộ phận giáo viên còn hạn chế nhất định; mặt khác, việc tổ chức giáo dục, bồi dưỡng giáo viên thông qua hoạt động thực tiễn sư phạm cho giáo viên có mặt hạn chế. Kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non vùng khó khăn chưa tương xứng, trong khi điều kiện đầu tư cho tự bồi dưỡng của giáo viên hạn hẹp, dẫn đến việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, kĩ năng sư phạm cho giáo viên gặp khó khăn. Xét từ số lượng, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ giáo viên mầm non, có thể thấy, việc bồi dưỡng, đào tạo để phát triển đội ngũ giáo viên mầm non tỉnh Điện Biên nói chung, ở các vùng khó khăn của tỉnh nói riêng, là một vấn đề nan giải. Để giải quyết vấn đề này, ngành Giáo dục – Đào tạo Điện Biên cần có kế hoạch, bước đi thích hợp trong việc đề ra yêu cầu và cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn phải phù hợp với mục tiêu, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh và điều kiện đặc thù vùng khó khăn của tỉnh Điện Biên.

 Phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn hiện nay phải tập trung thực hiện mục tiêu chuẩn hóa theo Chuẩn nghề nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ này và đảm bảo phù hợp với đặc thù của địa bàn khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo đạt được mục tiêu và định hướng đã đề ra, chúng ta phải tìm ra những giải pháp của chủ thể quản lí tác động tới đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non để nâng cao chất lượng việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặc biệt là gắn bó lâu dài với địa bàn khó khăn. Khi nghiên cứu xây dựng những giải pháp phát triển giáo viên mầm non vùng khó khăn phải vận dụng đúng đắn, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và ưu tiên để thúc đẩy sự gia tăng về số lượng, điều chỉnh hợp lí cơ cấu và đặc biệt là nâng cao được chất lượng giáo viên ở những địa bàn đặc thù này. Đồng thời, trong tổ chức thực hiện, các cơ quan quản lí nhà nước nói chung, cơ quan quản lí giáo dục nói riêng cần tránh tư tưởng ỷ lại vào những chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng khó khăn mà coi nhẹ những điều kiện, tiêu chuẩn trong đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên vùng khó khăn.

Hai là, cụ thể hóa yêu cầu, nội dung quản lí nhà nước về giáo dục mầm non trong phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn của tỉnh Điện Biên

Để đảm bảo thực hiện yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố như: tạo nguồn, đào tạo, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá giáo viên mầm non… Các yếu tố này phải thực hiện thống nhất, đồng bộ, ưu tiên những địa bàn trọng điểm, phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể quản lí để tránh dựa dẫm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Vì vậy, yêu cầu khi hoạch định các giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn phải thể hiện được sự phân cấp và phối hợp giữa trách nhiệm quản lí nhà nước của các cơ quan quản lí giáo dục và Ban Giám hiệu các trường mầm non. Các cơ quan quản lí nhân sự, quản lí giáo dục – đào tạo của các địa phương (từ cấp tỉnh đến cấp huyện) có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ đảng và chính quyền cùng cấp quyết định những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển giáo dục và xây dựng lực lượng giáo viên mầm non. Đồng thời, các cơ quan này căn cứ những chủ trương, giải pháp để đề ra kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các phòng Giáo dục – Đào tạo có trách nhiệm trong việc tham mưu, bố trí công tác, bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên mầm non vùng khó khăn.

Ba là, bảo đảm sự phát triển hợp lí về số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn ở tỉnh Điện Biên

Xây dựng các giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn phải hướng vào việc chủ động nắm sự biến động về số lượng giáo viên để có cơ sở sử dụng, khắc phục tình trạng thiếu hụt lực lượng giáo viên trước yêu cầu phát triển giáo dục. Các giải pháp phát triển đội ngũ này còn phải tính đến việc điều chỉnh cơ cấu về độ tuổi, trình độ đào tạo, địa bàn công tác… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tính kế thừa giữa các độ tuổi, sự cân đối, hài hòa về lực lượng giáo viên của các trường mầm non vùng khó khăn. Do đó, khi hoạch định và thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển giáo viên mầm non vùng khó khăn, các cơ quan quản lí phải luôn xuất phát từ thực tiễn ở mỗi địa bàn, từng trường học, tránh chủ quan, duy ý chí. Để nâng cao chất lượng chuyên môn của giáo viên mầm non vùng khó khăn, cần có giải pháp nhằm tăng cường sự đoàn kết trong tập thể giáo viên, phải thúc đẩy sự tiến bộ của từng giáo viên, làm cho mọi giáo viên không ngừng phấn đấu đạt và vượt chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định. Các phẩm chất và năng lực đó phải được thể hiện ở kết quả chăm sóc và giáo dục trẻ.

Bốn là, phát huy tính sáng tạo, sự chủ động và khả năng tự hoàn thiện phẩm chất, năng lực của giáo viên mầm non vùng khó khăn ở tỉnh Điện Biên trong hoạt động nghề nghiệp

Biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn có thể đạt được tính khả thi cao chỉ khi chủ thể quản lí biết đề cao tính chủ động, sáng tạo và khả năng tự hoàn thiện phẩm chất, năng lực của người giáo viên. Việc triển khai thực hiện các biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn phải dựa trên nguyên tắc phát huy tính dân chủ ở cơ sở, các quyết định của chủ thể quản lí liên quan đến đội ngũ giáo viên phải đảm bảo tính pháp lí, đồng thời thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đông đảo giáo viên, phải tính đến yếu tố đặc thù của giáo viên đang công tác tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, có như vậy mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ và sự yên tâm công tác của giáo viên mầm non vùng khó khăn. Phát huy sức mạnh của tập thể giáo viên trong phát triển đội ngũ giáo viên vùng khó khăn tỉnh Điện Biên còn được biểu hiện ở vai trò của chủ thể quản lí phải biết khơi dậy được tiềm năng tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi giáo viên. Vì vậy, hệ thống giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn phải thể hiện được mối quan hệ giữa đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức sư phạm với tự đào tạo, tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên. Những yêu cầu và giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn tỉnh Điện Biên có quan hệ chặt chẽ, tương tác với nhau. Điều quan trọng nhất là để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Điện Biên không chỉ thực hiện tốt từng yêu cầu, giải pháp riêng lẻ mà luôn cần thực hiện tốt và đồng bộ các yêu cầu, giải pháp đã đề ra, giải quyết tốt mối quan hệ giữa từng giải pháp với toàn bộ các giải pháp, có tính đến sự ưu tiên giải pháp trọng điểm tuỳ theo tình hình thực tế.

Phương hướng phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn tỉnh Điện Biên hiện nay luôn bị chi phối mang tính quyết định bởi mục tiêu, giải pháp phát triển giáo dục, thực tiễn quản lí giáo dục nhà trường và khả năng phấn đấu của bản thân giáo viên. Trên cơ sở tiếp tục phát huy những ưu điểm và tìm cách giải pháp khắc phục dần những hạn chế để giải quyết căn cơ những bất cập để đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn được phát triển vững chắc, đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng và đáp ứng được cơ cấu, cải thiện chất lượng giáo viên mầm non vùng khó khăn, tạo nền tảng cho các bậc giáo dục tiếp theo. Tôn trọng thực tế khách quan đó, chúng ta có thể đề xuất các biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non vùng khó khăn với tính mục tiêu rõ ràng, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Những vấn đề nêu trên vừa là những yêu cầu cũng vừa là những giải pháp thực hiện; nếu được thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả.

Tác giả: Ngô Thị Thu Hiền

BÌNH LUẬN