Theo Richard Paul-Linda Elder, hai tác giả của bộ sách “Cẩm nang tư duy phản biện khái niệm và công cụ”, cho rằng: “Tư duy phản biện là nghệ thuật phân tích và đánh giá tư duy với định hướng cải thiện nó”.
Theo Michael Michalko: “Tư duy phản biện là khả năng, hành động để thấu hiểu và đánh giá được những dữ liệu thu thập được thông qua quan sát, giao tiếp, truyền thông và tranh luận”. Như vậy, Tư duy phản biện là một kĩ năng tư duy bậc cao, có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. Những đặc điểm này khiến cho người có Tư duy phản biện trở nên sáng tạo, khác biệt hơn so với những người khác. Đối với sinh viên, kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp phát triển nhận thức, tự khắc phục được sự thiên vị và khuynh hướng thiên lệch trong suy nghĩ. Từ đó, sinh viên có thể điều khiển được cảm xúc và sử dụng thông tin để định hướng các hành động. Ngoài ra, tư duy phản biện tốt là nền tảng thiết yếu tạo điều kiện cho sự sáng tạo phát triển.
Rèn luyện kĩ năng Tư duy phản biện cho sinh viên là việc tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú nhằm kích thích sinh viên tham gia một cách tích cực chủ động vào các quá trình hoạt động. Qua đó, hình thành và phát triển kĩ năng Tư duy phản biện cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên có tri thức, giá trị, thái độ và kĩ năng nghề nghiệp phù hợp để họ thành công trong công việc cũng như có cách sống tích cực trong xã hội hiện đại.
Trong học tập cũng như công việc sau này, tư duy phản biện là nền tảng quan trọng, bởi đây là yếu tố tiềm năng để sản sinh ra những nhà lãnh đạo giỏi. Không dừng lại ở đó, đây chính là chìa khóa để giúp sinh viên học tập tốt hơn. Trong quá trình làm việc nhóm, người sở hữu kỹ năng tư duy và phản biện tốt sẽ giúp các quyết định của tập thể đi đúng hướng và không bị ảnh hưởng bởi cảm tính.
Rèn kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên, cần tập trung vào một số biện pháp sau:
Thứ nhất, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về kĩ năng Tư duy phản biện và rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện cho sinh viên. Bước này cần giáo dục về ý nghĩa, vai trò của kĩ năng tư duy phản biện trong học tập, trong lĩnh vực nghề nghiệp, trong cuộc sống để sinh viên thấy được sự cần thiết, nhu cầu phải rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện.
Thứ hai, trang bị những kĩ năng duy phản biện cơ bản cho sinh viên, gồm:
– Kỹ năng quan sát, đánh giá mọi việc khách quan: Để có kỹ năng tư duy phản biện tốt, sinh viên cần có cái nhìn khách quan về mọi vấn đề, không nên suy nghĩ hay giải quyết các vấn đề theo cảm tính, theo cách nhìn nhận một chiều, cá nhân. Sinh viên cần nhìn sự việc ở nhiều góc độ, đa chiều để đánh giá mọi việc khách quan, từ đó có những lập luận sắc bén, đánh giá vấn đề một cách logic và chính xác hơn.
– Kỹ năng đặt câu hỏi: Sinh viên có thể tự đặt vấn đề từ những việc đơn giản, gần gũi nhất, tập cách suy ngẫm về mọi thứ. Có thể áp dụng phương pháp 5W1H, phương pháp 321 để định hướng phương pháp đặt câu hỏi cho sinh viên. Đặt câu hỏi chính là mấu chốt dẫn đến tư duy phản biện. Nếu không biết phải thắc mắc về vấn đề gì, hoặc không đặt câu hỏi ngay từ đầu thì có thể không bao giờ tìm được câu trả lời. Tìm kiếm lời giải đáp một cách thông minh chính là tư duy phản biện.
– Kỹ năng phân tích, suy luận, không vội vàng chấp nhận kết quả của người khác trước khi kiểm chứng, luôn có nhiều hơn một phương án trả lời: Những người có tư duy phản biện tốt không bao giờ vội chấp nhận các ý tưởng, các giả định mới. Họ sẽ tìm cách xác định xem các ý tưởng, lập luận có thể hiện toàn bộ vấn đề không. Thay vì dựa vào trực giác và bản năng, họ sử dụng phân tích, lập luận và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống. Trong quá trình phản biện, có rất nhiều những ý kiến, kết luận trái chiều hoặc đồng quan điểm. Nhưng không nên đồng ý ngay với ý kiến của người khác khi mình chưa suy nghĩ và phân tích kỹ càng. Sinh viên cần kiểm tra, tư duy và đưa ra ý kiến phản biện của mình trước khi chấp nhận những kết quả của người khác.
– Kỹ năng giao tiếp: Sinh viên nên thường xuyên giao tiếp và gặp gỡ nhiều người, chủ động gặp gỡ và làm quen với thầy cô, anh chị khóa trên và các bạn. Chính điều này giúp bản thân có thể tiếp cận được nhiều cách suy nghĩ, lập luận mà trước giờ không biết. Quá trình này giúp sinh viên tiếp xúc với những người giúp các em tiếp nhận quan điểm và chỉ ra sai lầm, nhận định chưa đúng trong suy nghĩ. Đó cũng có thể là người cung cấp nhiều bài học quý báu giúp cải thiện các kỹ năng mềm cho sinh viên.
Thứ ba, Tạo ra các tình huống thực tế, khuyến khích sinh viên vận dụng kĩ năng tư duy phản biện. Để nắm vững kĩ năng, sinh viên cần liên tục thực hành kĩ năng đó. Giảng viên và sinh viên tạo ra các tình huống thực tế trong học tập, trong lĩnh vực nghề nghiệp, trong cuộc sống để sinh viên thực hành luyện tập kĩ năng tư duy phản biện. Có thể yêu cầu sinh viên đóng vai, tổ chức trò chơi, áp dụng vào bài tập đơn giản để sinh viên giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống, hoặc có thể thiết kếnhững bài tập đặc biệt nhằm dạy những kĩ năng cụ thể. Giảng viên khuyến khích và tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành các kĩ năng tư duy phản biện cho đến khi nó trở nên thành thạo.
Thứ tư, Kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện của sinh viên. Thông qua việc kiểm tra, đánh giá giúp sinh viên nhận ra được những ưu, nhược điểm. Qua đó, giảng viên có thể bổ sung những kiến thức còn yếu và thiếu, giúp sinh viên hoàn thiện hơn về kĩ năng tư duy phản biện.
Tác giả: Nguyễn Thị Hiền