Một số biện pháp nâng cao chất lượng thực tập sư phạm của sinh viên cao đẳng ngành Giáo dục mầm non

0
353

Giáo viên mầm non có vai trò quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, thế giới quan và cả niềm yêu thích, sự tự tin của trẻ nhỏ. Vì vậy, công tác đào tạo giáo viên mầm non phải được trú trọng ngay từ khi sinh viên được đào tạo tại trường sư phạm. Một trong những hoạt động không thể thiếu trong chương trình đào tạo ngành giáo dục mầm non là thực tập sư phạm tại các cơ sở giáo dục mầm non. Thực tập sư phạm là hoạt động giáo dục đặc thù của các trường sư phạm nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng cần thiết của nhà giáo cho giáo sinh theo mục tiêu của chương trình đào tạo.

Quá trình thực tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm giúp người học đáp ứng nhu cầu xã hội với phương châm “Học đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn”. Kết quả thực tập là một trong những điều kiện bắt buộc nhằm đánh giá khả năng và năng lực của người học, là cơ sở để các nhà tuyển dụng chọn lựa giáo viên mầm non tương lai; đồng thời cũng là tiêu chí chính đáp ứng nhu cầu xã hội. Thực hành nghề nghiệp là một trong những nội dung cốt lõi quyết định chất lượng đào tạo.

Bài viết đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng thực tập cho sinh viên cao đẳng ngành Giáo dục mầm non như sau:

  1. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên với cơ sở giáo dục mầm non

Căn cứ Quy chế tổ chức hoạt động thực hành, thực tập sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Cao đẳng Sư phạm xây dựng cơ chế phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non cụ thể, rõ ràng. Trong đó phải thể hiện rõ sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp khoa học, hiệu quả của các phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục mầm non trong công tác chỉ đạo, quản lý, triển khai và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thực tập của sinh viên. Đồng thời cần có nguồn kinh phí hợp lý cho thực tập sư phạm và các hoạt động rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và phát triển năng lực cho sinh viên. Tăng cường củng cố mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên với các cơ sở giáo dục mầm non. Thực hiện tốt các nội dung về hoạt động thực tập sư phạm của sinh viên và chế độ báo cáo đột xuất hoặc định kì…

  1. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực tập của sinh viên

Thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất từ khi triển khai đến khi kết thúc đợt thực tập sư phạm. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả thực tập sư phạm của sinh viên. Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hoạt động thực tập sư phạm phải đảm bảo các nguyên tắc: khách quan, công bằng, bình đẳng dân chủ. Kết thúc mỗi đợt thực tập có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, trong đó thể hiện rõ việc kiểm tra, giám sát và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục (Nếu có).

  1. Tăng cường tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, kiểm tra công tác thực tập của sinh viên

Việc thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học để trao đổi và thống nhất trực tiếp về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sẽ giúp các bên chủ động kế hoạch triển khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác thực tập của sinh viên. Kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế, đồng thời phát huy điểm mạnh của sinh viên cũng như cơ sở giáo dục mầm non. Từ đó các bên cùng phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập giữa thực tập của sinh viên tại cơ sở giáo dục mầm non và chương trình đào tạo, kế hoạch thực tập của trường.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý đoàn thực tập, hướng dẫn, đánh giá thực tập của sinh viên và thông tin kịp thời những khó khăn, bất cập, phát sinh trong quá trình tổ chức hướng dẫn thực tập cho sinh viên tại cơ sở giáo dục mầm non.

  1. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cho giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên và giáo viên của cơ sở giáo dục mầm non

4.1. Đối với giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên phụ trách đoàn thực tập đến cơ sở giáo dục mầm non

Trước hết cần nâng cao nhận thức cho giảng viên phụ trách đoàn thực tập và giáo viên cơ sở giáo dục mầm non hướng dẫn thực tập sinh viên. Phải nhận thức rõ hoạt động thực tập là học phần quan trọng, là cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của nhà trường. Tăng cường quán triệt đến từng sinh viên về nội dung, thời gian, hình thức thực tập, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm… khi đến thực tập tại cơ sở giáo dục mầm non.

Tăng cường bồi dưỡng năng lực quản lý, tổ chức các hoạt động, hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập, kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh, năng lực hướng dẫn sinh viên sắp xếp thời gian hoàn thành các nội dung thực tập khoa học và hiệu quả. Nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng sử dụng tin học trong việc phối hợp quản lý, giám sát đoàn thực tập và các giáo viên hướng dẫn sinh viên thực tập.

4.2. Đối với giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non

Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn thực tập sư phạm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục mầm non thông qua bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội, kỹ năng thyết trình, kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể, kỹ năng hướng dẫn sinh viên thực tập.

Thực tế cho thấy, ngoài việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực hướng dẫn thực tập thì giảng viên phụ trách đoàn thực tập và các giáo viên hướng dẫn thực tập cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục mầm non cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những yêu cầu, kinh nghiệm trong công tác tổ chức quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non cũng như chất lượng thực tế, khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn của sinh viên. Từ đó, có những kế hoạch và biện pháp điều chỉnh phù hợp để không ngừng nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

  1. Xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo thời gian, nội dung thực tập sư phạm phù hợp

Chương trình đào tạo và kế hoạch thực tập, cũng như kế hoạch rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của từng đợt, từng năm học phải xây dựng cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Việc cụ thể hóa hoạt động rèn luyện của sinh viên từng tuần, từng buổi giúp cho Ban giám hiệu cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên hướng dẫn dễ hiểu và thuận tiện trong việc tổ chức thực hiện.

Trong chương trình đào tạo, những học phần phương pháp thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp như: Phương pháp giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động vui chơi, làm quen với tác phẩm văn học, phát triển ngôn ngữ, làm quen với toán, khám phá khoa học về môi trường xung quanh, tạo hình, âm nhạc… Đây là các học phần trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Vì vậy, phải được cập nhật, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các học phần thực hành, học phần phương pháp; tăng cường thực hành cá nhân và thực hành  nhóm, theo hướng nâng cao năng lực sáng tạo, phát huy điểm mạnh của sinh viên.

Kế hoạch thực tập cần xây dựng thống nhất chặt chẽ giữa mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức hoạt động, cách thức đánh giá kết quả thực tập của sinh viên phù hợp với quá trình đào tạo, thuận lợi cho việc hướng dẫn sinh viên của cơ sở giáo dục mầm non.

  1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên hướng dẫn thực tập cho sinh viên

Cơ sở giáo dục mầm non cần coi công tác hướng dẫn sinh viên thực tập là một trong những nhiệm vụ chính của Nhà trường; tổ chức nghiên cứu kĩ nội dung, hình thức, tiêu chí đánh giá thực tập của sinh viên để chủ động phối hợp với trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động thực tập cho sinh viên. Có kế hoạch cụ thể, rõ ràng giúp sinh viên chủ động thực hiện các nội dung thực tập đồng thời tham gia các hoạt động theo kế hoạch chung của cơ sở giáo dục mầm non.

Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao năng lực hướng dẫn sinh viên thực tập. Cử cán bộ có năng lực, kinh nghiệm triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát và rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực tập của sinh viên.

  1. Tăng cường công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và các kỹ năng cho sinh viên trước khi thực tập tại cơ sở giáo dục mầm non

Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên nghành giáo dục mầm non là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình đào tạo giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, giúp sinh viên hình thành những phẩm chất và nâng lực nghề nghiệp, là cơ sở tiếp tục phát triển, nâng cao và hoàn thiện trong quá trình công tác ở cơ sở giáo dục mầm non sau khi tốt nghiệp.  Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm nhằm gắn việc học tập kiến thức cơ bản, chuyên môn với rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp giúp sinh viên có năng lực đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp khi đến thực tập tại các cơ sở giáo dục mầm non và công tác sau khi tốt nghiệp. Hoàn thiện mục tiêu, nội dung, kế hoạch rèn luyện nghiệp vụ sư phạm phù hợp với chuẩn đầu ra nghành giáo dục mầm non và điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Tăng cường rèn luyện các kỹ năng cho sinh viên trước khi sinh viên đi thực tập như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng xử lý tình hướng, kỹ năng thích nghi với môi trường làm việc mới, kỹ năng nhận biết tâm lý của trẻ lứa tuổi mầm non, kỹ năng sử dụng tin học trong quá trình thực hiện các nội dung thực tập, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm…

  1. Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thực tập sư phạm của sinh viên

Ngoài năng lực, điều kiện của sinh viên, năng lực của giáo viên hướng dẫn thì điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho cho sinh viên thực tập cũng là một trong các yếu tố quan trọng đối với quá trình thực tập và rèn kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp giúp sinh viên có tâm thế thoải mái, tích cực hoạt động hơn, yêu nghề, yêu trẻ, có nhiều trải nghiệm trong quá trình thực tập và kết quả thực tập tốt hơn khi sinh viên được chủ động, sáng tạo và được tham gia nhiều hoạt động ở cơ sở giáo dục mầm non.

Vì vậy, cần tăng cường đầu tư các thiết bị dạy học, phương tiện kĩ thuật hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình tập giảng và thực hiện các tiết thi giảng tại các cơ sở giáo dục mầm non. Nâng cao chất lượng của hệ thống mạng Internet trong cơ sở giáo dục mầm non để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát sinh viên của giảng viên và thực hiện các nội dung thực tập của sinh viên. Đồng thời xây dựng không gian xanh, sạch, đẹp, an toàn, môi trường làm việc thân thiện để góp phần nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên./.

Tác giả: Hà Thị Hương

BÌNH LUẬN