Đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đã và đang tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước, đang ảnh hưởng nặng nề nhất là với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam. Điện Biên đã và đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và là một trong 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước. Nhưng do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, việc chuẩn bị kịch bản, phương án xử lý các tình huống diễn biến dịch là rất cần thiết. Đây là giải pháp để ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh, vừa chống dịch vừa tổ chức các hoạt động đào tạo.
Kịch bản thứ nhất: Phòng, chống dịch trong điều kiện tỉnh Điện Biên không có diễn biến phức tạp về dịch bệnh Covid-19.
Tổ chức cho sinh viên học tập trung tại trường; ăn ở tập trung tại Khu nội trú. CBVC và sinh viên đảm bảo các yêu cầu đó là:
* Trước khi đến trường
Mỗi CBVC và sinh viên phải thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K; tự theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày. Nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… thì chủ động ở nhà và thông báo cho đơn vị quản lý; chuẩn bị các trang bị cá nhân như nước uống, cốc uống dùng riêng; khăn giấy, khẩu trang; không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly y tế.
* Tại trường
– Trước khi vào trường CBVC và sinh viên phải dừng xe để quyét mã QR, kiểm tra thân nhiệt; sát khuẩn tay; đeo khẩu trang liên tục khi ở trường; rửa tay với nước sạch bằng xà phòng hoặc nước rửa tay khô theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế; che mũi, miệng khi ho hặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp; vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay; tăng cường thông khí tại lớp học, phòng làm việc bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào; nếu phát hiện bản thân có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và báo ngay cho người quản lý, tổ An toàn Covid-19 hoặc cán bộ y tế Nhà trường.
Kịch bản thứ hai: Phòng, chống dịch trong thời điểm tỉnh Điện Biên có diễn biến phức tạp về dịch bệnh Covid-19.
Nhà trường sẽ triển khai phương thức dạy học và thi trực tuyến; bố trí CBVC nghỉ luân phiên và làm việc online tại nhà.
Ngoài các nội dung của kịch bản thứ nhất, CBVC và người học cần: Thực hiện việc ghi nhật ký cá nhân; sử dụng ứng dụng Bluzone để cập nhật thông tin dịch bệnh, truy vết và khai báo y tế định kỳ; báo cáo kịp thời với Nhà trường và các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có người thân, người nhà…về địa bàn cư trú để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; không tụ tập ăn uống đông người, hạn chế tối thiểu việc đến các nơi đông người, không di chuyển ra khỏi địa bàn nếu không thật sự cần thiết.
Đối với CBVC phải đi công tác hoặc có việc cấp bách phải đến các khu vực có dịch cần: Tham khảo thông tin về các khu vực có dịch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế ; thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 trước khi đi công tác và sau khi đi công tác theo quy định; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến; luôn thực hiện Thông điệp 5K. Trong thời gian đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) để được tư vấn và nếu cần thiết thì đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Sau khi đi công tác về, CBVC/người học có trách nhiệm đến cơ quan y tế địa phương – nơi tạm trú/thường trú để khai báo y tế và thực hiện theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Kịch bản thứ ba: Phòng, chống dịch khi ở Trường có các trường hợp nghi mắc, F2, F1 hoặc F0
Nguyên tắc chung: Mọi người phải bình tĩnh, không hoang mang, hoảng sợ, bỏ chạy…làm xáo trộn các hoạt động của nhà trường; tạm dừng hoạt động, hạn chế tiếp xúc (đảm bảo khoảng cách 2m); thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K; thông báo ngay cho cán bộ y tế, tổ An toàn Covid và Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid của Nhà trường.
Nếu ở Trường có ca nghi mắc Covid-19: Cán bộ y tế Nhà trường đưa người nghi ngờ vào phòng cách ly tạm thời, lấy thông tin cá nhân, khai thác tiền sử dịch tễ đồng thời liên hệ với Trạm Y tế phường Mường Thanh (02153.825.229) để được hỗ trợ.
Nếu ở Trường có ca F2: Cán bộ y tế của Trường đưa F2 đến trạm y tế phường/xã – nơi tạm trú/thường trú của F2 để khai báo y tế; F2 cách ly tại nhà/nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm RTPCR của F1 (nếu F1 âm tính thì F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định; nếu F1 dương tính thì xử lý F2 như trường hợp có F1 tại đơn vị).
Nếu ở Trường có ca F1: Cán bộ y tế của Trường đưa F1 đến phòng cách ly tạm thời; liên hệ với trạm Y tế Mường Thanh để xét nghiệm; khoanh vùng, khử khuẩn khu vực có liên quan đến F1; thông tin chính xác về tình hình sức khỏe F1 cho toàn thể CBVC và sinh viên để tránh xảy ra hoang mang, lo lắng; đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 khi có kết quả RT-PCR của F1 (nếu kết quả F1 âm tính thì F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định); phối hợp cơ quan y tế phường Mường Thanh: Đưa F1 đi cách ly y tế theo quy định; truy vết tất cả các F2; triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho CBVC và sinh viên có nguy cơ.
Nếu ở Trường có ca F0: Cán bộ y tế Nhà trường đưa F0 vào phòng cách ly tạm thời; liên hệ với Trạm Y tế phường Mường Thanh theo SĐT: 02153825229; phối hợp với Trạm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; phong tỏa tạm thời toàn bộ Nhà trường/từng khu vực làm việc có F0; thông báo cho toàn bộ CBVC và sinh viên đang có mặt tại Trường không tự ý di chuyển để chờ được hướng dẫn, xử trí; nghiêm túc khai báo y tế…
Ba kịch bản giả định nêu trên cần được mỗi CBVC và sinh viên của Nhà trường quán triệt, thực hiện với quan điểm không lo lắng thái quá nhưng tuyệt đối không được chủ quan lơ là. Giải pháp 5K + Vắc xin vẫn là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả ở trường CĐSP Điện Biên. Hy vọng mỗi CBVC và sinh viên sẽ là chiến sỹ dũng cảm chiến thắng dịch bệnh./.
Tác giả: Bùi Quang Huy