Tác giả: Cao Thanh Nga
Một trong những đổi mới căn bản của giáo dục hiện nay là hướng tới mục tiêu phát triển năng lực của người học. Quan tâm nghiên cứu đối tượng người học để trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chính là nhiệm vụ của các nhà trường. Mỗi một vùng miền với đặc điểm riêng biệt có những đối tượng người học khác nhau. Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên với nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học cơ sở, tiểu học mầm non và một số chuyên ngành ngoài sư phạm có số sinh viên dân tộc thiểu số theo học các chuyên ngành cao (khoảng trên 90%). Hơn thế nữa, sau khi tốt nghiệp, đa số các em về công tác, làm việc tại các nhà trường có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông. Vì vậy, nghiên cứu tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng dạy học cho sinh viên dân tộc thiểu số là một vấn đề quan trọng không chỉ đối với sinh viên khi học tại trường mà cả sau này các em ra làm việc.
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 -2019, ngày 16/5/2019, khoa Xã hội trường CĐSP Điện Biên tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học cho sinh viên dân tộc thiểu số, trường CĐSP Điện Biên”. Tham gia hội thảo có các đồng chí lãnh đạo nhà trường, các đồng chí cán bộ quản lý của các đơn vị phòng ban khoa tổ trong trường và toàn bộ giảng viên khoa Xã hội, sinh viên lớp K19VS. Thay mặt cho lãnh đạo nhà trường, đồng chí Nguyễn Song Bình, bí thư đảng bộ trường CĐSP Điện Biên đã phát biểu ý kiến. Hội thảo này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều giảng viên trong nhà trường với tổng số 21 bài đăng trong kỷ yếu (trong đó có 19 bài của giảng viên trong khoa và 02 bài giảng viên của các đơn vị bạn). Các bài viết tập trung chủ yếu vào việc đề xuất các giải pháp dạy học các học phần cho sinh viên dân tộc thiểu số, một số bài viết đề cập đến vấn đề đánh giá kết quả học tập, các kỹ năng học tập, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên dân tộc thiểu số của nhà trường. Một số bài viết tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng của văn hóa, tâm lý, tính cách tộc người… làm nền tảng cho việc nghiên cứu dạy học phù hợp với đối tượng sinh viên người dân tộc thiểu số.
Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn 5 bài báo cáo trước hội thảo: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số (TS Lò Văn Pấng); Đặc điểm tính các sinh viên dân tộc H’mông ngành Công tác Xã hội trường CĐSP Điện Biên (ThS Hoàn Văn Định); Nâng cao tính tích cực học tập của sinh viên dân tộc thiểu số năm thứ nhất ở trường CĐSP Điện Biên (ThS. Đỗ Thị Thanh Tuyền); Đề xuất một số dạng bài kiểm tra mới trong giảng dạy học phần Ngoại ngữ cho sinh viên dân tộc thiểu số tại trường CĐSP Điện Biên (ThS Lê Thanh Huyền); Một số biện pháp nâng cao hiệu quả học tập học phần “Công tác xã hội trẻ em” cho sinh viên dân tộc thiểu số ngành công tác xã hội tại trường CĐSP Điện Biên (CN Mùa A Hử). Các báo cáo đã đề cập đến nhiều vấn đề về dạy học cho sinh viên dân tộc thiểu số với những đặc điểm về văn hóa, môi trường sống, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh…
Bên cạnh các bài báo cáo được trình bày, hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí đại biểu, giảng viên tập trung làm rõ các vấn đề về đặc điểm sinh viên dân tộc thiểu số dưới góc nhìn văn hóa tộc người, các giải pháp nâng cao tính tích cực học tập cho sinh viên, hình thức kiểm tra đánh giá bằng sản phẩm trong học phần ngoại ngữ…Hội thảo thức sự trở thành một một diễn đàn cho giảng viên, cán bộ quản lý chia sẻ những quan điểm lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cũng như kết quả nghiên cứu trong công tác dạy học cho sinh viên dân tộc thiểu số, đối tượng chủ yếu của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, đồng thời góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chia sẻ quan điểm trong hội thảo của giảng viên.
Hội thảo khoa học khoa Xã hội năm học 2018-2019 đã khép lại nhưng những vấn đề đặt ra trong hội thảo vẫn tiếp tục được những người tham gia hội thảo quan tâm trăn trở và suy nghĩ. Với tâm huyết của những người làm công tác giáo dục là khơi dậy những tiềm năng của người học, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm thực hiện sứ mệnh, mục tiêu và tầm nhìn của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, những bài báo cũng như ý kiến thảo luận trong hội thảo sẽ gợi mở những hướng tìm tòi, nghiên cứu để có những giải pháp dạy học cho sinh viên dân tộc thiểu số của nhà trường đạt hiệu quả cao hơn, giúp các em vươn tới những thành công trong tương lai, xóa bỏ khoảng cách giữa dân tộc thiểu số và đa số để xây dựng đất nước Việt Nam đa dân tộc giàu mạnh và hùng cường hơn.
Thầy giáo Nguyễn Song Bình phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Hội thảo
Tác giả: Cao Thanh Nga