Th.s Đặng Thái Sơn – Phòng Khảo thí & ĐBCLGD
Tôi luôn quan điểm rằng “Sách chính là thức ăn của trí não”. Dù có bận bịu đến cỡ nào, hãy đọc vài trang sách mỗi ngày. Đôi khi vào những ngày nhất định, thật chẳng được tác dụng gì nhưng đó chính là giúp cho bộ não “đỡ đói.”
Nhiều người nói nhiều về sức khỏe của bản thân, nhưng ít ai nói về sức khỏe của não bộ. Tuổi càng già lại có tật hay quên, đôi khi đi làm “não cá vàng”, khả năng tập trung không có trong công việc. Đấy là bởi vì chúng ta đã không cho nó ăn thường xuyên.
Trong thời đại smartphone bây giờ, khi những đứa trẻ cúi đầu vào những chiếc điện thoại thông minh. Còn người lớn lấy lý do vì công việc mà bỏ bê đi văn hóa đọc. Đó cũng là lúc não bộ bị hao mòn dần dần vì thiếu thức ăn. Nhưng dù có là cây phi lao cuối cùng trong cơn bão smartphone thì vẫn phải đứng vững.
Nếu bạn không phải là người sinh ra ở vạch đích, không phải là người may mắn được gặp “quý nhân phù trợ” thì hãy nhớ cho cuộc đời này quá ngắn để phạm sai lầm (đừng có nghe rêu rao cái câu “tuổi trẻ mà, cứ phạm sai lầm đi). Hãy luôn biết cách hạn chế sai lầm. Học hỏi từ sai lầm của bản thân, sai lầm của người khác, và học hỏi sai lầm từ trong sách. Sai lầm của bản thân thì phải trả học phí, sai lầm của người khác thì đòi hỏi quan sát. Còn sai lầm học được từ các nhân vật trong sách thì có sẵn, hà cớ gì không biết mà đọc?
Riêng tôi, đã bắt đầu đọc sách từ rất nhỏ, đến bây giờ tôi vẫn duy trì cho mỗi buổi tối ít nhất là 1 giờ đồng hồ để đọc sách khoảng từ 21 giờ đến 22 giờ. Jules Payot nói: “Nếu cho tôi được sống lại cuộc đời của tôi, tôi tự thệ trong lúc trẻ tuổi, chỉ đọc ròng sách hay, do những bậc vĩ nhân trong tư tưởng giới viết ra thôi. Tôi đã mua rất đắt cái kinh nghiệm đã qua của tôi khi còn nhỏ, đã làm phung phí sức lực của tôi rất vô lối vì những tác phẩm vô giá trị. Nếu anh em muốn có một tương lai tốt đẹp về tinh thần, hãy nghe theo tôi, đừng bao giờ đọc sách nhảm…”
Sách thì nhiều mà thời gian mỗi người lại có hạn, không thể dành cả đời để đọc tất cả các sách vở trên thế gian, do vậy trong sự đọc sách thì lựa chọn sách để đọc là hết sức cần thiết. Chỉ có 4 loại sách tôi ưu tiên đọc nhiều hơn một chút vì liên quan đến công việc, đam mê, bổn phận, đó là kiếm hiệp, lịch sử, bóng đá, phong thủy.
Nhưng dù đọc loại sách gì, thì quan điểm đọc sách của tôi không phải là tầm chương trích cú, mà là tư duy, rút tỉa bài học và lấy ra đó những thức có thể giúp ích cho cuộc sống, cuộc đời. Bởi vì chúng ta đa số trên thế giới này không phải ai cũng là giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh. Chúng ta còn phải mưu sinh với các công việc khác. Vì vậy ta phải “biết mình biết người”.
Trong cuộc sống, mỗi người đều phải đối mặt với nhiều cám dỗ khác nhau, từ đó mà trở nên bốc đồng và lo lắng. Những cuốn sách mang đến cho chúng ta sức mạnh và sự tự tin, giúp chúng ta bình tĩnh đối mặt với thế giới hiện thực này. Chúng giống như ánh trăng sáng trong đêm tối, mang lại cho ta ánh sáng, giúp ta nhìn rõ phía trước. Càng đọc nhiều, bạn càng trầm ổn lại. JJ. K. Rowling nhà văn đầu tiên và duy nhất trên giới kiếm hàng tỉ đô la nhờ viết sách, trong tác phẩm kinh điển Harry Potter và Hội Phượng hoàng có viết “Tất cả chúng ta đều có cả ánh sáng và bóng tối bên trong chúng ta. Điều quan trọng là cách chúng ta chọn để hành động. Đó là thứ mà chúng ta thực sự cần.”
Và sách chính là ánh sáng soi rọi cho con đường, cho hành động của mỗi chúng ta để khi tâm hồn của một người có đủ chiều rộng và đủ độ sâu, chúng ta hoàn toàn có thể đứng vững trước những thăng trầm của cuộc sống.
Ảnh 1: Tác phẩm kinh điển Bố già