Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam phụ thuộc vào 3 nội dung sau: Năng lực của nền kinh tế bắt kịp được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp mới bằng cách đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao để tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh; Sự thích ứng của hệ thống giáo dục và đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu kỹ năng của các doanh nghiệp và thị trường lao động; Sự chủ động chuẩn bị hành trang nghề nghiệp, kỹ năng lao động (cứng và mềm) và nắm bắt cơ hội của mỗi người lao động.
Như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư có tiềm năng làm bùng nổ năng suất lao động, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng độ an toàn trong sản xuất, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều cơ hội việc làm tốt được tạo ra. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra triển vọng cho các ngành/lĩnh vực công nghệ như tin học, điện toán, kỹ sư lập trình, chế tạo robot mà các cơ sở đào tạo và lao động Việt Nam có thể có thế mạnh. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu đối với kỹ năng mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này cũng mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam, đang ở trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ chiếm đa số có lợi thế về chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp thu nhanh các kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Cuộc cách mạng công nghiệp sẽ khuyến khích những người lao động có tinh thần học hỏi, ham hiểu biết và sáng tạo. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, yêu cầu đổi mới nhanh chóng của tay nghề và kỹ năng sẽ góp phần khơi dậy và phát huy tinh thần năng động và hiếu học của con người Việt Nam.
Với việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động sẽ được áp dụng phổ biến, giúp người lao động dễ dàng cân đối việc làm với cuộc sống gia đình. Ngoài ra, nhu cầu về lao động thể lực giảm, thay vào đó là tăng cao nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ giúp tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm Việt Nam là cơ cấu lao động lạc hậu và trình độ lao động thấp. Thay đổi đột phá trong các mô hình sản xuất và kinh doanh sẽ đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng, tay nghề và cách thức làm việc. Những lĩnh vực có năng suất lao động cao, có nhu cầu lao động cao, đòi hỏi trình độ và kỹ năng mới sẽ có tiền lương tăng cao. Trong khi đó, lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp sẽ có nhiều nguy cơ bị mất việc làm hoặc khó tìm việc làm (do bị thay thế bởi robot), lao động trong các ngành chế tạo, lắp ráp sẽ được thay thế bằng các công nghệ tự động, in 3D. Thách thức đối với hệ thống đào tạo và dạy nghề, sự thay đổi về công nghệ dẫn đến tăng nhanh nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao, trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo và dạy nghề còn rất hạn chế. Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu đối với các kỹ năng mới đòi hỏi hệ thống đào tạo và dạy nghề cần có phản ứng linh hoạt, cập nhật liên tục nhu cầu kỹ năng của thị trường.
Tác giả: Vũ Thị Thanh Tâm