Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, phát huy năng lực người học, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật những đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục mầm non (GDMN) theo chương trình GDMN mới (chương trình khung), thông qua hoạt động thực hành thường xuyên để khắc sâu hệ thống kiến thức về nghiệp vụ sư phạm (tâm lí, giáo dục, phương pháp dạy học bộ môn bằng hoạt động thực hành), hình thành hệ thống kĩ năng nghề nghiệp cơ bản, gắn liền với thực tiễn ở bậc học mầm non.
Năng lực thích ứng nghề nghiệp là điều kiện, cơ sở cho sinh viên (SV) sư phạm ngành GDMN nâng cao năng lực nghề nghiệp, là nền tảng của lòng yêu nghề, yêu trẻ. Giáo viên mầm non vừa đóng vai trò nuôi dưỡng, chăm sóc, vừa có vai trò giáo dục trẻ. Thực tiễn dạy học cho thấy, một số SV ngành GDMN còn lúng túng và gặp khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, cần có những biện pháp phát triển năng lực thích ứng nghề nghiệp cho sinh viên (SV) ngành GDMN hiện nay.
Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức về ngành nghề, hình thành lòng yêu nghề cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất
Mục đích của biện pháp: Giúp SV nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, niềm tin và lí tưởng cho SV đối với ngành nghề mà mình đã chọn ngay từ năm thứ nhất; đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của SV trong quá trình tu dưỡng, học tập và rèn luyện nghề nghiệp.
Cách thực hiện biện pháp: Lồng ghép thông qua giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo, đặc biệt là các học phần thuộc khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm chung và giáo dục chuyên nghiệp. Mỗi SV trong quá trình học tập, rèn luyện cần được giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị nghề nghiệp. Các em cần ý thức được rằng, mỗi ngành nghề nghiệp trong xã hội đều có vị trí, vai trò riêng đối với sự phát triển KT-XH. Từ việc nhận thức được ý nghĩa và giá trị của nghề nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thái độ, tình cảm của SV đối với nghề nghiệp. Nhà trường có thể sử dụng các hình thức khác nhau để bồi dưỡng, phát triển những thái độ, tình cảm tốt đẹp đối với nghề nghiệp cho SV ngành GDMN như: thông qua giáo dục truyền thống ngày nhà giáo; tôn vinh giá trị nhà giáo; tổ chức các hội thi nghiệp vụ sư phạm; các hoạt động ngoại khóa, các diễn đàn của các tổ chức, Đoàn, Hội,… Kết quả học tập, rèn luyện nghề nghiệp của SV phụ thuộc trực tiếp vào tính tích cực, chủ động của các em. Vì vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức và hình thành tình cảm, lí tưởng nghề nghiệp cho SV, cần phát huy vai trò chủ thể của SV trong các hoạt động học tập và rèn luyện. Nói cách khác, mỗi SV phải “hành động hóa” nhận thức, niềm tin, lí tưởng vào thực tiễn. Thông qua sự tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập, rèn luyện sẽ tạo nên sự thống nhất từ nhận thức, đến thái độ và hành động – con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất trong việc chiếm lĩnh và rèn luyện nghề nghiệp.
Biện pháp 2: Thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy của giảng viên
Mục đích của biện pháp: nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra, đảm bảo yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, bao gồm hệ thống các yêu cầu cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức; kĩ năng sư phạm mà giáo viên mầm non cần đạt được.
Cách thực hiện biện pháp: Trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình đào tạo cần thực hiện đúng quy trình, điều chỉnh chương trình đào tạo, căn cứ nhiều kênh thông tin để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Đổi mới theo hướng tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế trong chương trình đào tạo. Nhìn chung hiện nay, chương trình đào tạo còn nhiều hạn chế, lạc hậu, dàn trải, mất cân đối giữa lí thuyết và thực hành, thực tập; phương pháp giảng dạy chủ yếu vẫn là đọc và chép, chưa kích thích được tư duy và tính tích cực nhận thức của SV. Vì vậy, cần đổi mới nội dung, chương trình theo hướng thiết thực, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế, có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo cơ cấu hợp lí giữa lí thuyết và thực hành, thực tập; đổi mới phương pháp giảng dạy cần phát huy tính tích cực nhận thức, tính độc lập và sáng tạo của SV trong nghiên cứu, học tập và rèn luyện.
Biện pháp 3: Đa dạng hóa các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm
Mục đích của biện pháp: giúp SV có nhiều cơ hội thực tiễn để vận dụng lí thuyết đã học một cách có hệ thống; từ đó hình thành các kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng mềm như: thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, hợp tác, giải quyết vấn đề,… và trau dồi phẩm chất nghề nghiệp.
Cách thực hiện biện pháp: Thông qua các hoạt động thực hành sư phạm giúp SV nắm vững các nội dung của học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, được tìm hiểu, trang bị các kiến thức cơ bản về đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi mầm non. Giảng viên có thể đa dạng hóa các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho SV ngành GDMN thông qua các hình thức như:
– Tổ chức hội thi giữa SV các lớp, các khóa; làm đồ dùng, đồ chơi dạy học cho trẻ mầm non; thi ứng xử tình huống sư phạm; tuyên truyền về vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ; xây dựng thực đơn và chế biến các món ăn cho trẻ;
– Phối hợp với các trường thực hành và một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh cho SV làm quen, cùng tham gia trải nghiệm các hoạt động thực tế như: dự giờ, thăm lớp và tổ chức các hoạt động cho trẻ như: hoạt động vui chơi, hoạt động góc, hoạt động với đồ vật, hoạt động ngoài trời,…;
– Phối hợp với các trung tâm hỗ trợ SV, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội SV để tổ chức các khóa tập huấn kĩ năng mềm như: kĩ năng giao tiếp, quản lí thời gian, quản lí xung đột, hoạt động nhóm cho SV,…
Biện pháp 4: Phối hợp chặt chẽ với các trường thực hành/trường mầm non cơ sở, phòng giáo dục, sở giáo dục trong quá trình đào tạo
Mục đích của biện pháp: giúp SV củng cố, mở rộng kiến thức đã học và cập nhật những đổi mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức, cách đánh giá, phương tiện và điều kiện chăm sóc – giáo dục trẻ, rút ngắn khoảng cách, giúp cho kiến thức lí thuyết gần gũi hơn với thực tiễn.
Cách thực hiện biện pháp:
– Mời chuyên viên Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT, cán bộ quản lí hoặc giáo viên giỏi ở các trường mầm non tham gia trao đổi theo chuyên đề để SV có thể giải đáp những vướng mắc về mục tiêu, nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện chương trình GDMN mới;
– Phối hợp với các trường mầm non để trao đổi, tham khảo ý kiến, tọa đàm, cùng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hành kiến tập, thực tập, phù hợp với yêu cầu đào tạo và điều kiện thực tế;
– Tổ chức các hoạt động thao giảng, hội thi giáo viên giỏi, làm đồ dùng, đồ chơi ở các cấp (tỉnh, huyện, cơ sở,…) để tiếp cận và học tập kinh nghiệm trong công tác chăm sóc – giáo dục trẻ.
Biện pháp 5: Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất hỗ trợ sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm
Mục đích của biện pháp: giúp SV có những điều kiện cần thiết để rèn luyện các kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm và tự tổ chức các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
Cách thực hiện biện pháp:
– Trang bị đầy đủ các tài liệu, giáo trình, sách chuyên khảo về khoa học GDMN, video – băng đĩa về các tiết dạy mẫu, các hoạt động ở trường mầm non;
– Nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thực hành như: phòng múa, phòng thực hành dinh dưỡng, phòng thực hành bộ môn;
– Xây dựng tủ tư liệu trưng bày sản phẩm, rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp của SV như: đồ dùng dạy học và đồ chơi của trẻ; sản phẩm nghiên cứu khoa học; sản phẩm từ các hội thi nghiệp vụ Sư phạm như (các mô hình, tranh ảnh theo các chủ đề,…). Những biện pháp trên là yếu tố thúc đẩy SV ngành GDMN chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện để phát triển các kĩ năng và phẩm chất nghề nghiệp. Từ đó, các em có thể tự tin, vững bước vào nghề trong quá trình thực hiện các hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần vận dụng linh hoạt các biện pháp nêu trên trong quá trình phát triển năng lực thích ứng nghề nghiệp cho SV ngành GDMN phù hợp với điều kiện nhà trường để có thể đạt hiệu quả tốt nhất.
Tác giả: Nguyễn Thị Hiền