Tác giả: Phạm Lan Anh
“Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí cho bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đọc đó chỉ là lừa mình dối người còn đối với việc làm người thì cách đọc đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém…”
“… Đọc sách không cốt lấy nhiều mà quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ, nếu đọc mười cuốn sách không quan trọng thì không bằng đem thời gian, sức lực ra đọc lấy một quyển thật sự có giá trị….”
“Chu Quang Tiềm – Nhà lí luận văn học Trung Quốc”
“Bàn về đọc sách” là một tác phẩm nghị luận xuất sắc của học giả Chu Quang Tiềm đề cập đến một vấn đề thiết yếu và quan trọng để phát triển con người đó là vấn đề: Đọc sách.
Tác giả đã đưa ra những quan điểm rõ ràng, đó chính là: Tầm quan trọng của việc đọc sách; những thiên hướng sai lệch dễ mắc phải trong việc đọc sách; bàn về phương pháp chọn sách và đọc sách đúng đắn.
Sách là gì? sách là sản phẩm mà trong đó chứa đựng toàn bộ kho tàng tri thức nhân loại, tri thức này đã được tích lũy, cô đúc, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Sách chính là sản phẩm tinh thần mà con người đã tìm tòi, suy ngẫm và thu lượm lại suốt mấy ngàn năm qua.
Đọc sách có tầm quan trọng như thế nào? Đọc sách là con đường của học vấn và tri thức, nhằm tích lũy và nâng cao trình độ của con người. Đọc sách giúp con người phát triển và hoàn thiện nhân cách. Việc đọc sách chính là thừa hưởng lại tất cả mọi mặt thành quả tinh hoa của nhân loại.
Những thiên hướng sai lệch dễ mắc phải trong việc đọc sách hiện nay chủ yếu thuộc về người đọc, cụ thể là; việc lựa chọn sách không đúng mục đích; cách đọc không chuyên sâu, chỉ đọc lướt qua và đọng lại chỉ được ít. Một số người đoc lấy số lượng chứ không chú trọng đến chất lượng, đọc để thể hiện bản thân.
Tác giả đã chỉ cho người đọc cách chọn sách và phương pháp đọc sách đúng đắn, đó là: chọn sách đúng với mục đích, chọn những cuốn sách có giá trị và thật sự hữu ích cho bản thân; phương pháp đọc sách đúng đắn là nên đọc kĩ, đọc đi đọc lại nhiều lần, ghi chép lại những điều tâm đắc, phương pháp đọc sách đúng sẽ rèn luyện cho con người thói quen tốt đó là sự kiên trì nhẫn nại.
Như vậy, từ những vấn đề được bàn luận ở trên cho ta thấy, giá trị của việc đọc sách đem lại cho con người là không hề nhỏ. Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc đọc sách, M.Gorki – Nhà văn vĩ đại Nga cũng đã từng nhận định rằng: “Mỗi cuốn sách là những bậc thang nhỏ mà mỗi khi bước lên đó tôi tách khỏi con thú để tiến gần hơn tới con người …”
Trong cuộc sống ngày nay, khi nhịp sống hiện đại luôn diễn ra sôi nổi, hầu hết các bạn sinh viên bị cuốn theo lối sống nhanh, sống vội, nhiều người trong số các bạn trẻ không đủ kiên nhẫn để đọc hết một cuốn sách, thâm chí cả đời không đọc đến một tác phẩm văn học mới, thực tế này đã dẫn đến những yếu kém trong tư duy, trình độ nhận thức, văn hóa và giao tiếp … Thay vì dành thời gian lên thư viện đọc sách thì các bạn lại quan tâm rất nhiều đến các hình thức giải trí đa phương tiện như; Zalo, Face book và các sở thích cá nhân khác. Lí giải điều này cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn thuộc về chính mỗi người trong việc lựa chọn cho mình quan điểm sống, thói quen sống lành mạnh.
Nhân ngày đọc sách 21/4 năm nay, chúng ta cùng nhau truyền đi thông điệp giữ gìn văn hóa đọc của người Việt Nam mục đích là để phát triển nhiều mặt giá trị con người và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vẫn biết tuổi trẻ có rất nhiều hình thức giải trí cho bản thân nhưng tôi vẫn luôn tin chăc chăn rằng; trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều người thích “đọc sách” và “đọc sách” chính là một lựa chọn đúng đắn, hữu ích và không bao giờ nhàm chán.
* Một số hình ảnh của sinh viên trường CĐSP Điện biên trong ngày hội đọc sách